Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM cho biết, cả Ấn Độ và Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nên cách duy nhất để tiến lên sau đại dịch là hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực tương ứng khác. Có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác và cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tạo cơ hội cho hai bên thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu mới cho nhiều sản phẩm, dược phẩm khác nhau.
“Vắc-xin đóng vai trò quan trọng để kiểm soát đại dịch Covid-19. Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM luôn sẵn sàng hỗ trợ sắp xếp các buổi gặp mặt giữa các công ty Việt Nam và các nhà sản xuất vắc-xin ở Ấn Độ”, ông Sethi nói.
Mới đây, Công ty Nanogen của Việt Nam đã ký thỏa thuận bảo mật về chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vắc-xin Nanocovax với Công ty Vekaria Healthcare LLP của Ấn Độ. Đây là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Ấn Độ.
Hiện nay, có khoảng 5-6 công ty dược phẩm của Ấn Độ sản xuất thuốc chống virus Covid-19 Remdesivir và Molnipuravir. Thuốc kháng virus sản xuất tại Ấn Độ không những có chi phí phải chăng hơn, mà còn mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, Việt Nam đang tìm cách nhập khẩu thuốc kháng virus từ Ấn Độ để cung cấp cho các bệnh viện tuyến đầu.
Tháng 8 qua, Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vắc-xin của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã làm việc với nhiều công ty dược phẩm lớn ở Ấn Độ như Hetero, Dr. Reddy, Cipla, Jubilant, Mylan, Zydus và Cadila… Các doanh nghiệp cam kết cung cấp cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều Remdesivir trong vòng 30 ngày tới.
“Thiết bị y tế được sản xuất tại Ấn Độ có chất lượng tốt, nhưng giá thành rẻ, đặc biệt là các thiết bị y tế cần thiết cho các đơn vị điều trị tích cực (ICU) và cả các vật tư y tế sử dụng hàng ngày. Chúng tôi đang thảo luận với một số công ty ở Ấn Độ để kết nối hợp tác với các công ty Việt Nam và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam”, ông Sethi nói thêm.
Theo ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), y tế được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng cho hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Việt Nam. Việt Nam chỉ mới có cam kết viện trợ, ký hợp đồng cung ứng trên 100 triệu liều vắc-xin trong năm 2021, chưa đủ đáp ứng nhu cầu hàng năm. Điều này mở ra cơ hội hợp tác trong sản xuất và cung ứng vắc-xin ngừa Covid-19 cho cả hai nước.
Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế sản xuất trong nước mới đáp ứng được 2% nhu cầu. Hiện hầu hết các trang thiết bị y tế được nhập khẩu từ các nước phát triển. Trong khi đó, Ấn Độ là thị trường thiết bị y tế lớn thứ 4 ở châu Á và nằm trong top 20 thị trường thiết bị y tế hàng đầu thế giới. Do đó, Việt Nam có thể tăng cường nhập khẩu thiết bị y tế từ Ấn Độ để cung cấp cho các bệnh viện dã chiến.
Ông Lữ cũng cho rằng, Việt Nam chưa mở cửa thị trường dược phẩm cho các nhà đầu tư nước ngoài để phân phối thuốc trực tiếp cho khách hàng qua hình thức bán buôn hoặc bán lẻ do phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt. Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể xuất nhập khẩu dược phẩm vào Việt Nam, sau đó bán cho các nhà phân phối trong nước đã được cấp phép để tiêu thụ. Đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp, nhà sản xuất Ấn Độ nghiên cứu, xúc tiến các hoạt động mua bán và sáp nhập trong ngành dược.
Do đại dịch và các hạn chế về đi lại và giao lưu trong nước và quốc tế, nên Hiệp hội Các công ty dược phẩm xuất khẩu của Ấn Độ không thể đến Việt Nam theo kế hoạch. Tuy nhiên, sau khi tình hình ổn định, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM sẽ lên kế hoạch tổ chức các cuộc gặp gỡ kinh doanh và đầu tư với sự tham gia của các công ty trong lĩnh vực dược phẩm của hai nước để tìm hiểu mối quan hệ hợp tác, đầu tư.