Thời gian gần đây, từ những tour liên tuyến TP HCM đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và từ những chuyến du thuyền xuyên biên giới, du lịch đường sông đang dần khẳng định vị thế như một sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc Nam Bộ.
Tiềm năng lớn
Theo Sở Du lịch TP HCM, mạng lưới giao thông đường thủy TP HCM có 101 tuyến, tổng chiều dài 913 km, 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch, với khoảng 135 tài nguyên phục vụ du lịch đường thủy. Lợi thế của thành phố với 4 tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua tạo ra mạng lưới đường thủy liên tuyến kết nối với Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và đặc biệt là ĐBSCL.
Trong khi đó, vùng ĐBSCL nổi bật với hệ thống kênh rạch dày đặc, là nơi lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái và khám phá văn hóa sông nước, chợ nổi như: Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (TP Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang)… Nhiều khu vực sông nước ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm nên không chỉ là những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên.
Với tiềm năng như vậy, những năm qua, nhiều địa phương đã bước đầu chú trọng phát triển du lịch đường sông và đạt được những thành công nhất định. Trong đó phải kể đến du lịch trên dòng sông Vàm Cỏ (Long An), sông Tiền (Tiền Giang), sông Cổ Chiên (Vĩnh Long), sông Hàm Luông (Bến Tre), sông Hậu (An Giang – Cần Thơ), sông Sài Gòn – sông Soài Rạp – sông Nhà Bè (TP HCM)… Đặc biệt, tại TP HCM hiện khai thác gần 60 tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn (độ dài tuyến dưới 10 km), tầm trung (độ dài tuyến dưới 60 km), tầm xa (độ dài tuyến trên 60 km).
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, với hệ thống sông ngòi hơn 28.000 km và hệ thống kênh rạch dày đặc, trải rộng trên cả vùng; với sự đa dạng về văn hóa, đặc biệt là văn hóa sông nước phương Nam gắn với đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, ĐBSCL có tiềm năng lớn trong việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với sông nước và văn hóa sông nước. Bên cạnh đó, với hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhà Bè kết nối với các tỉnh vùng ĐBSCL, TP HCM cũng có rất nhiều cơ hội để hình thành các chương trình du lịch liên kết đến ĐBSCL bằng đường thủy.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định: “Việc phát triển du lịch đường sông sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, như: cảng du lịch, bến tàu và các khu vực xung quanh thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”.
Cần sự liên kết
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, nhìn nhận: “Du lịch đường sông còn thiếu sự liên kết giữa các địa phương. Các tuyến du lịch đường sông như dọc sông Mê Kông, sông Hậu, sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch ở ĐBSCL đều có thể trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do mỗi địa phương lại có chiến lược phát triển riêng, việc thiếu sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành đã dẫn đến nhiều hạn chế trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn”.
Các tour du lịch hiện nay thường chỉ dừng lại ở việc khám phá một địa phương mà chưa khai thác hết tiềm năng của cả một vùng rộng lớn. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của du lịch đường sông đối với những du khách mong muốn trải nghiệm đa dạng văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.
Ông Tuấn chỉ ra du lịch đường sông không chỉ là “trên sông” mà cần có liên kết với các điểm du lịch trên toàn tuyến. Tuy nhiên, việc thiếu bến tàu du lịch, giao thông kết nối từ bến sông đến điểm tham quan chưa được đầu tư, điểm tham quan du lịch chưa nhiều dịch vụ, cảnh quan hai bên bờ sông ở phần lớn các tuyến du lịch chưa được chỉnh trang làm cho việc khai thác du lịch đường sông gặp nhiều bất lợi.
Trong khi đó, bà Hồng Thu Mai, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho rằng công ty liên tục tìm kiếm, liên kết các đối tác, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan đến các tuyến, các dịch vụ trên sông. Từ đó định hình, xây dựng và phát triển các sản phẩm phù hợp, đặc thù giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước với “đặc sản” sông nước vốn có của vùng.
“Các sản phẩm, tour tuyến về các tỉnh, thành ĐBSCL được công ty khai thác gồm: TP HCM – Long An – Mỹ Tho – Bến Tre – Cái Bè (đi về trong ngày); tour Sài Gòn – Bến Tre – Cần Thơ, Sài Gòn – Cái Bè – Cần Thơ (2 ngày 1 đêm); tour kết hợp với du thuyền liên tuyến Việt Nam – Campuchia…” – bà Mai thông tin.
55 tuyến du lịch đường sông mới
Vừa qua, Sở Du lịch TP HCM cũng đã đi khảo sát và công bố 55 tuyến du lịch đường sông mới kết nối TP HCM với vùng ĐBSCL. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, nói: “Hiện có hơn 60 chương trình tour khai thác du lịch đường sông với 50 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dịch vụ này. Các sản phẩm rất đa dạng từ tầm ngắn (đi trong nội vùng), tầm trung (đi liên tuyến đến các tỉnh), tầm xa (đi sang nước bạn). Qua chuyến khảo sát cho thấy có những sản phẩm xuất phát từ bến Bạch Đằng (TP HCM) đi đến các tỉnh, thành và các nước bạn. Trên cơ sở đó, chúng tôi đang dự kiến phát triển thêm ở các bến tàu trọng điểm của ĐBSCL, chứ không chỉ xuất phát tại bến Bạch Đằng”.