Theo số liệu của Statista, thị trường thực phẩm Việt Nam trong năm 2023 đạt mức 96,47 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2022. Trong đó, phân khúc bánh kẹo và đồ ăn nhẹ chiếm tỷ trọng lớn nhất là 14,6%, với khối lượng thị trường đạt khoảng 14,13 tỷ USD trong năm 2023. Xét trên phân khúc đồ uống, doanh thu thị trường đồ uống Việt Nam trong năm 2023 đạt mức 27,121 tỷ USD, trong đó, phân khúc đồ uống không cồn đóng góp tỷ trọng cao nhất ở mức 37,7%, cũng là phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Năm 2023 được coi là một năm đầy thách thức đối với ngành F&B Việt Nam khi chịu nhiều tác động từ tình hình kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, thị trường vẫn phát đi những tín hiệu tích cực cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng thích ứng và vươn lên trước những biến động từ môi trường bên ngoài.
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, năm 2023 nhiều doanh nghiệp đã đạt được kết quả tích cực với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu tăng mạnh từ 66,7% lên 93,3%. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng lợi nhuận đạt tới 86,7%, vượt qua cả tỷ lệ của năm 2022.
Dự báo thị trường sẽ hồi phục và tiếp đà tăng trưởng mạnh trong năm 2024. Tại Fi Vietnam 2024 mới đây, các chuyên gia nhấn mạnh ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm từ 10 – 12%. Fi Vietnam cũng ghi nhận có đến 175 doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia tìm cơ hội vào Việt Nam.
Thị trường thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam theo các bên đang có nhu cầu ngày càng tăng về sự đa dạng và chất lượng của các mặt hàng thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm chức năng khi độ tuổi trung bình quốc gia nằm trong khoảng 30 tuổi. Điều này mở ra cơ hội để các doanh nghiệp F&B quốc tế tiếp cận sâu hơn với thị trường Việt Nam thông qua các sản phẩm địa phương độc đáo, được sản xuất và chế biến theo quy trình hiện đại, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có được lợi thế từ các hoạt động hợp tác để gia tăng xuất khẩu sản phẩm trong nước tới thị trường nước khác.
Riêng Ireland, bà Pippa Hackett – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng Hải Ireland – chia sẻ: “Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng trong với lĩnh vực nông sản thực phẩm của Ireland và chuyến thăm cấp nhà nước gần đây của chúng tôi khẳng định cam kết trong việc củng cố mối quan hệ này. Sau chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo Việt Nam, chúng tôi mong muốn hợp tác sâu sắc hơn nữa trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và nông nghiệp”.
Thời gian tới, Ireland đặt mục tiêu tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là trong các sản phẩm sữa, hải sản và thịt lợn.
Ông Jim O’Toole, Giám đốc điều hành Cơ quan Thực phẩm Ireland (Bord Bia) bổ sung: “Chúng tôi hiểu rõ mối quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam trong tính minh bạch về nguồn gốc thực phẩm. Chính vì vậy, chúng tôi rất lạc quan về tiềm năng mở rộng các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Ireland tại thị trường Việt Nam”.
Thực tế, Việt Nam và Ireland đã và đang có nhiều hợp tác sâu rộng. Đơn cử, hai bên vừa có ký kết Quan hệ đối tác nông nghiệp thực phẩm Ireland – Việt Nam (IVAP) và Biên bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác giữa Chính phủ Ireland và Việt Nam.