Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 – VESF 2025, các chuyên gia thảo luận và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng đạt hai con số trong năm 2025 và những năm tiếp theo, nhưng phải đảm bảo tính bền vững.
XUẤT NHẬP KHẨU PHÁ VỠ MỌI KỶ LỤC
Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 – VESF 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chia sẻ những nhận định sâu sắc về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024, đồng thời đưa ra các định hướng và giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong năm 2025.
Phó Thủ tướng cho biết, năm 2024 đã khép lại với những kết quả ấn tượng. Việt Nam hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế – xã hội, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới. Chỉ số CPI đạt 3,63%, thấp hơn mức 4% mà Quốc hội đề ra.
“Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đạt khoảng 800 tỷ USD, với xuất siêu lên tới 24 tỷ USD, phá vỡ mọi kỷ lục trước đây”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp quý báu và thực chất của các doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý để đất nước bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên thịnh vượng, hùng cường. Phó Thủ tướng cũng thông tin, Chính phủ hiện tập trung vào ba đột phá chiến lược theo nghị quyết của Đại hội Đảng. Đầu tiên là hoàn thiện pháp luật, thể chế – thời gian qua đã hoàn thiện 1 số luật như đầu tư công, quy hoạch… để tháo gỡ điểm nghẽn phát huy nguồn lực cho phát triển đất nước. Trong thời gian tới, hoàn thiện chính sách tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng để tạo bước đột phá phát triển mạnh mẽ hơn.
Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ dồn nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng. Năm 2025, dự kiến đầu tư công sẽ dành khoảng 800 nghìn tỷ đồng cho triển khai các công trình trọng điểm như đường cao tốc, bến cảng, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc-Nam…
Cuối cùng là giải pháp quan trọng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là giải pháp được Chính phủ đánh giá là giải pháp rất quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, bền vững.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đang chuyển mình sang nền kinh tế xanh và kinh tế số. Trong đó, nền kinh tế số liên quan mật thiết đến các công nghệ nền tảng như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây và blockchain. Những công nghệ này đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất lao động, kết nối mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, từ văn hóa, du lịch đến công nghiệp.
Thậm chí trong lĩnh vực công nghiệp, việc vận hành máy móc và thiết bị công nghệ cao đòi hỏi sự kết nối và điều hành thông qua trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin. Chính vì vậy, đây chính là nền tảng quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh chóng và nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.
GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ CHO NĂM 2025
Tại diễn đàn, bên cạnh việc nhắc lại kết quả kinh tế cả nước đạt được trong năm 2024, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng nêu những giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế năm 2025.
Yêu cầu trước tiên, trên hết là phải tiếp tục bảo đảm vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là cần lưu ý thực hiện những giải pháp chính sách gì để bảo đảm và củng cố nền tảng này trong năm 2025 nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao và phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư quốc tế.
“Tăng trưởng cao đã khó nhưng đảm bảo được sự phát triển bền vững trong điều kiện tăng trưởng cao còn khó hơn nhiều. Đây thực sự là vấn đề rất khó, rất phức tạp những đây cũng là sự khác biệt và là bản sắc phát triển riêng có của Việt Nam”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Nói về dự báo tăng trưởng tiêu dùng năm 2025, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, động lực tiêu dùng cuối cùng là vấn đề quyết định cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Bức tranh năm ngoái cho thấy, tiêu dùng của dân cư và chi tiêu của Chính phủ có bước tiến chậm, bởi nếu theo dõi có thể thấy thời điểm trước Covid-19, tổng mức bán lẻ luôn tăng trưởng ở mức 2 con số, theo giá so sánh thì xấp xỉ gần 10%.
Vậy để năm 2025 và những năm tiếp theo, để có được động lực tăng trưởng chung thì tăng trưởng tiêu dùng là chủ đạo, do vậy cần có những giải pháp để kích thích động lực tiêu dùng này. TS. Nguyễn Bích Lâm cũng chỉ ra 4 yếu tố cần áp dụng chính sách hỗ trợ để thúc đẩy tiêu dùng trong thời gian tới.
Thứ nhất, thu nhập của người dân phải có ở mức nhất định để chi tiêu. Yêu cầu chúng ta cần có chính sách để người lao động, người làm công ăn lương phải có thu nhập khả dụng.
Thứ hai, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ phải đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng, thậm chí là rẻ hơn chất lượng để tăng tính cạnh tranh thì càng tốt với người tiêu dùng. Từ đây cũng dẫn đến vấn đề thứ ba là đa dạng sản phẩm.
Thứ tư là hình thức thương mại, thương mại truyền thống vẫn chiếm thị phần lớn với 75% và hơn 9000 chợ truyền thống. Cùng với đó là thương mại hiện đại, thương mại điện tử cũng là phương thức thúc đẩy tiêu dùng.
Bàn thêm về chính sách, ông Lâm nhấn mạnh: “Vấn đề cốt lõi là người Việt Nam phải ưu tiên hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước. Nếu người dân tiêu dùng hàng nhập khẩu, và sử dụng dịch vụ nhập khẩu vô hình chung sẽ làm cho GDP trong nước giảm đi”.
Ông Lâm dẫn chứng báo cáo của Tổng cục Thống kế, năm 2024, nước ta đã nhập khẩu dịch vụ du lịch 12,57 tỷ USD, hơn hẳn kim ngạch xuất khẩu dịch vụ dẫn đến tình trạng nhập siêu dịch vụ du lịch. Điều này cho thấy nếu có chính sách tốt sẽ thu hút người Việt Nam sử dụng dịch vụ trong nước vì nhu cầu đang tăng cao.
Lý giải vấn đề dịch vụ trong nước chưa thu hút được người tiêu dùng, TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh vấn đề giá thành. Điển hình như lĩnh vực du lịch, giá vé máy bay nhiều chặng nội địa đã cao hơn giá vé bay ra nước ngoài. Đây chỉ là một trong nhiều vấn đề còn tồn tại phần nào kìm hãm tốc độ tăng trưởng tiêu dùng và tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Vì vậy, để kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng trưởng GDP, một lần nữa chuyên gia nhấn mạnh, người dân Việt Nam phải chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước. Cùng với đó, cũng cần có chính sách tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân để họ có thêm thu nhập khả dụng để dành cho các khoản chi tiêu dịch vụ, hàng hóa.