Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu các cấp đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường khả năng thực thi của cấp dưới. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực trong hợp tác công – tư; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tích cực kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh du lịch đã được cắt giảm; đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
TP.HCM yêu cầu các cấp nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến du lịch. Đồng thời thực hiện nghiêm việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với mọi hành vi vi phạm, kể cả việc tạm dừng kinh doanh, rút giấy phép; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che các hành vi vi phạm, trục lợi từ việc chèo kéo, ép giá, quảng cáo sai sự thật… trong hoạt động kinh doanh du lịch.
TP.HCM cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Từ đó khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch.
TP.HCM cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn. Trên cơ sở đó, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, mô hình du lịch chất lượng cao, có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu.
Triển khai hiệu quả các mô hình quản trị, hợp tác công – tư trong phát triển du lịch trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch.
Cùng với đó, TP.HCM bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vùng. Nghiên cứu và ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia kinh doanh và cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp – nông thôn.
Song song đó, Thành phố sẽ quy hoạch khu vực phát triển kinh tế đêm gắn với dịch vụ du lịch; phát triển đa dạng các dịch vụ, sản phẩm du lịch về đêm tại các khu vực tập trung đông khách du lịch của địa phương. Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt việc kéo dài thời gian hoạt động tại các khu vực được xác định phát triển kinh tế đêm. Tập trung đầu tư, xây dựng các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại huyện Củ Chi, Cần Giờ.
TP.HCM cũng sẽ tăng cường liên kết phát triển du lịch. Trong đó, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường – nhiều điểm đến”, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương; hợp tác chặt chẽ trong đầu tư, phát triển sản phẩm, truyền thông, quảng bá và triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, lượng khách quốc tế đến TP.HCM trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 4,014 triệu lượt, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2023, đạt 66,9% so với kế hoạch năm 2024. Lượng khách du lịch nội địa đến TP.HCM trong 9 tháng ước đạt 27,353 triệu lượt, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2023, đạt 72% so với kế hoạch năm 2024.
Tổng thu du lịch tháng 9 ước đạt 17.017 tỷ đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng năm 2024 ước đạt 140.398 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2023 (9 tháng năm 2023 là 125.463 tỷ đồng), đạt 73,9% so với kế hoạch năm 2024.